Đại biểu HĐND ở đâu khi xảy ra các vụ việc sai phạm ở cơ sở?

Bài 2: Một bàn tay không làm nên tiếng vỗ

- Thứ Ba, 21/06/2022, 07:14 - Chia sẻ

Nhiều vấn đề thông qua chất vấn, giám sát của HĐND đã được phát hiện, tháo gỡ, góp phần quan trọng giảm bớt các điểm “nóng”, bức xúc, sai phạm ở cơ sở. Thế nhưng trên thực tế, vẫn có những vụ việc báo chí đề cập nhưng chưa thấy tiếng nói của cơ quan dân cử. Bên cạnh do một số đại biểu lãng quên lời hứa với dân, nhiều đại biểu HĐND không chỉ trí tuệ, tâm huyết mà còn rất bản lĩnh, trách nhiệm trước những bức xúc ở cơ sở, trong việc bảo vệ quyền lợi cho cử tri và người dân. Tuy nhiên, chỉ tâm huyết, trách nhiệm của đại biểu dân cử thôi thì dường như chưa đủ, bởi một bàn tay không thể làm nên tiếng vỗ.

Ai đứng ra bảo vệ quyền lợi của người dân?

Một trong số sai phạm nhức nhối trong thực tiễn đó là trên lĩnh vực môi trường. Nhìn lại vụ việc bãi rác Nam Sơn ở huyện Sóc Sơn, TP. Hà Nội cho thấy, đây một điển hình rõ nét khi người dân nhiều lần chặn đường không cho xe chở rác vào bãi khiến hàng nghìn tấn rác tại nội thành bị ùn ứ, bốc mùi nồng nặc, do bức xúc về tình trạng ô nhiễm môi trường từ chính bãi rác gây ra ngày một tăng và chưa tìm được tiếng nói chung trong việc di dời, đền bù. Lắng nghe dư luận và qua các buổi tiếp xúc, đối thoại của các cấp chính quyền với người dân cho thấy, người dân ý thức được hành động chặn xe vào bãi rác là phản ứng tiêu cực, vi phạm pháp luật nhưng... cực chẳng đã, bởi thông qua nhiều diễn đàn từ hội nghị thôn xóm, sinh hoạt đảng đến tiếp xúc cử tri (TXCT) của đại biểu dân cử nhưng các kiến nghị của người dân vẫn chậm được xem xét, giải quyết.

Bài 2: Một bàn tay không làm nên tiếng vỗ -0
Khi lựa chọn ứng cử viên trong danh sách bầu cử, cử tri mong muốn những đại biểu mình tín nhiệm thực hiện đúng lời hứa khi vận động bầu cử. Ảnh: Bình Nguyên

Vụ án sai phạm về quản lý đất đai tại UBND thành phố Phan Thiết, Bình Thuận xảy ra từ 2017 đến năm 2019 thì bị khởi tố để điều tra. Các bị can nguyên là lãnh đạo UBND TP. Phan Thiết đã cho chuyển đổi mục đích sử dụng 132 thửa đất ở các xã Thiện Nghiệp, Phong Nẫm và Tiến Lợi của thành phố trái với quy định pháp luật. Ngày 31.10.2019, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Bình Thuận có văn bản yêu cầu tạm dừng chuyển nhượng quyền sử dụng đất 132 thửa đất trên, dẫn đến việc người dân đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hợp pháp vẫn không được phép thực hiện các giao dịch dân sự chuyển nhượng tài sản, xây dựng. Nhiều hộ dân đã phản ánh tới các cơ quan chức năng.

Sai phạm đã được xử lý, xét xử nhưng hiện nay Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai TP. Phan Thiết vẫn chưa tiếp nhận hồ sơ đăng ký biến động giao dịch đất đai tại các khu vực này, gây khó khăn và ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân sử dụng đất hợp pháp. Cơ quan chức năng lúng túng trong giải quyết, người dân bị ảnh hưởng thì hoang mang không biết xử sự như thế nào, rõ ràng đất đai của mình nhưng không được phép giao dịch chuyển nhượng, xây dựng do vô tình bị cuốn vào khu vực bị sai phạm?!

Vậy cơ quan dân cử trên địa bàn có đồng hành với cử tri trong giải quyết vấn đề này không? “Trong số các cá nhân vi phạm có những người là đại biểu HĐND, thậm chí là đại biểu có chức vụ, người đứng đầu, người có khả năng giải quyết kiến nghị của cử tri và Nhân dân. Như vậy, làm sao đồng hành với cử tri được? Còn những đại biểu khác, phần lớn chưa am hiểu lĩnh vực chuyên môn, kiêm nhiệm hoặc dưới quyền. Tâm lý e ngại và chưa đủ bằng chứng để phản ánh thì cũng rất khó cho đại biểu. Thành thử cử tri có phản ánh, kiến nghị nhưng đại biểu chỉ có thể kiến nghị cơ quan chức năng giải quyết. HĐND cũng chỉ có thể phản ánh và chuyển tải tới cơ quan chức năng. Một vòng như vậy lại quay về UBND và các cơ quan chức năng nên thành thử cử tri “ngại” khi phản ánh mà “chờ” quá lâu. Tâm lý chung của cử tri chúng tôi là kiến nghị, phản ánh mà chưa được tiếp thu, giải quyết thì cũng không muốn kiến nghị nữa” - cử tri Lê Văn Lĩnh, TP. Phan Thiết cho biết khi được hỏi vì sao không phản ánh với đại biểu HĐND và cơ quan của HĐND.

“Bản thân cử tri có vướng mắc thì kiến nghị. Kiến nghị chậm được giải quyết thì thông qua con đường đơn thư. Chỉ có gửi đơn thư phản ánh thì việc xem xét giải quyết theo luật có thời gian quy định rõ, nhanh chóng hơn. Chúng tôi kiến nghị qua cơ quan dân cử thế nhưng có những nội dung kiến nghị mãi không được tiếp thu giải quyết. Có những nội dung “biết rồi, khổ lắm, nói mãi” nhưng… cũng chưa được giải quyết. Đến khi kêu kiện thì mới có văn bản trả lời. Thành thử cũng không trách tại sao một bộ phận cử tri không mặn mà với hoạt động TXCT của cơ quan dân cử. Khi có vấn đề gì thì người dân chúng tôi nghĩ là nên phản ánh trực tiếp với cơ quan có thẩm quyền giải quyết là UBND, bí quá thì viết đơn, một số hộ dân lại lựa chọn phản ánh với báo chí” - cử tri Nguyễn Xuân Phấn, huyện Hưng Nguyên, Nghệ An cho biết.

“Một vụ việc đơn giản như giải quyết thủ tục hành chính về chế độ dân công hỏa tuyến theo Quyết định số 62 của Thủ tướng Chính phủ, bản thân tôi nộp hồ sơ tại UBND thị trấn Ead’Răng, huyện Eah’Leo, Đắk Lắk. Sau khi tiếp nhận hồ sơ, cán bộ phụ trách Ban Chỉ huy Quân sự thị trấn không hướng dẫn, một tháng sau mới trả lời là biên bản đề xuất chưa bảo đảm, phải có xác nhận của Bộ Chỉ huy Quân sự ở huyện tại Hà Tĩnh. Sau đó tiếp nhận hồ sơ, một thời gian sau lại trả lời hồ sơ chưa bảo đảm; cần bổ sung hồ sơ… Hướng dẫn nhiều lần, làm khổ dân đi lại, đi xin giấy tờ ngoại tỉnh xa xôi nên chúng tôi bức xúc, yêu cầu hướng dẫn rõ, một lần, được thì nói rõ mà không được cũng nói rõ cho dân. Cực chẳng đã, sau khi nhận hồ sơ cán bộ UBND thị trấn im luôn. Sự việc được tôi phản ánh tới bà Phó Chủ tịch HĐND huyện Eah’leo xem xét, giám sát trách nhiệm, thái độ của cán bộ. Bà nghị hứa sẽ xem xét nhưng từ thời điểm kiến nghị (năm 2020) đến nay (năm 2022) chẳng thấy phản hồi?!” - cử tri Lê Thị Hiền, thị trấn Eađ’Răng, Eah’Leo, Đắk Lắk phản ánh.

Nhiều vụ việc lớn gần như… “chìm xuồng”

Bên cạnh những đại biểu thiếu trách nhiệm và lãng quên lời hứa với dân như Phó Chủ tịch HĐND huyện Eah’leo theo phản ánh của cử tri, trên thực tế có rất nhiều đại biểu HĐND không chỉ có trí tuệ mà còn rất bản lĩnh, trách nhiệm trước những bức xúc ở cơ sở, trong việc bảo vệ quyền lợi cho cử tri và người dân. Tuy nhiên, chỉ tâm huyết, trách nhiệm của đại biểu dân cử thôi thì dường như chưa đủ, bởi một bàn tay không làm nên tiếng vỗ.

Nguyên Phó Chủ tịch HĐND một huyện khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên bộc bạch: “Tôi khẳng định là đã làm rất tốt nhiệm vụ của mình, nhưng những vấn đề quan trọng, nhạy cảm (có thể nói nghiêm trọng cũng có), khi tôi nêu vấn đề, kiến nghị rõ ràng thì cũng chưa đi được đến đâu. Nói chung, tôi có tích cực giám sát, kiến nghị đến đâu đi nữa thì hiệu quả chỉ dừng lại ở những vụ nhỏ bé tí tẹo thì họ (cơ quan chức năng) thực hiện ngay. Còn nhiều vụ lớn gần như… “chìm xuồng”.

Trong suốt câu chuyện chia sẻ về những vụ việc bức xúc được phát hiện qua giám sát của HĐND nhưng đã bị “chìm xuồng”, chúng tôi cảm nhận rõ niềm đau đáu, tinh thần trách nhiệm của một đại biểu đã nghỉ hưu trước những trăn trở đối với hoạt động của cơ quan dân cử.

“Đơn cử như vụ ký Quyết định chuyển đổi 1500ha rừng đặc dụng sang đất rừng sản xuất để trồng cây cao su. Dân phản ánh, qua giám sát tôi nhận thấy, đa số diện tích là rừng già nguyên sinh, mật độ cây dày, kích cỡ cây rất to. Thế nhưng trước khi được ký quyết định thì họ (UBND tỉnh) có báo cáo thực trạng rừng: chủ yếu là cây le và cỏ tranh (rừng nghèo), đầy đủ 8 chữ ký từ trên xuống dưới. Sau khi giám sát, tôi báo cáo TRUNG THỰC và đề nghị “giữ lại diện tích rừng có khả năng phục hồi để phục hồi rừng”, gửi về UBND tỉnh và các cơ quan liên quan. Cấp trên cũng về kiểm tra và xử lý cán bộ cấp dưới thay thế, trong khi tỉnh ký quyết định?!”.

“Khi tham gia ý kiến vào Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội huyện giai đoạn 2010 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030, tôi kiến nghị giảm quy hoạch thủy điện vừa và nhỏ trên địa bàn để giữ môi trường và đất sản xuất cho dân. Qua các cấp xem xét: 9 dự án thủy điện, giảm 3 còn 6 dự án, mặc dù tôi cố gắng hết mức qua rất nhiều kênh kiến nghị. Hay các vụ việc liên quan đến tham nhũng chế độ: Thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng khi làm đường Hồ Chí Minh, người dân kiến nghị về việc cán bộ làm giả hàng loạt hồ sơ để chiếm đoạt tiền ngân sách, tôi giám sát và đề nghị trả lại hàng loạt hồ sơ đã hoàn tất mà không được nhận bồi thường. Họ không trả. Tôi trao đổi với Bí thư, Chủ tịch HĐND thì được trả lời: Thôi em, giờ mà bới ra thì đủ thứ chuyện”.

Đau đáu, tâm huyết, trách nhiệm, đeo bám đến cùng vấn đề nhưng có những đại biểu như đại biểu HĐND cấp huyện nọ bị xem là “trại gây” và cuối cùng bị điều chuyển đi nơi khác “cho khỏi phiền”. Thậm chí, có những đại biểu trẻ, tâm huyết trách nhiệm thẳng thắn chất vấn người đứng đầu, làm rõ những vấn đề cử tri, Nhân dân còn băn khoăn, bức xúc thì bị trù dập, gây khó khăn. Điều đáng buồn hơn, ở một số phiên thảo luận, tranh luận tại kỳ họp HĐND, có vị lãnh đạo UBND thẳng thừng yêu cầu đại biểu chuyên trách, các Ban của HĐND phải nghiêm túc kiểm điểm, sửa lại báo cáo theo kiểu “nhất trí như Ủy ban”, “nói qua loa cho dân nghe phải chú ý phát ngôn”. Đại loại không được phê phán UBND trên loa?!

Câu chuyện của nguyên Phó Chủ tịch HĐND huyện nọ và trăn trở của đại biểu chuyên trách bị phê bình, chấn chỉnh trước HĐND vì quá thẳng thừng khi thảo luận tại kỳ họp được trao đổi với nhiều đại biểu HĐND chuyên trách cả đương nhiệm và nghỉ hưu, đa số đều cho rằng đó là thực trạng chung ở cơ sở. Bởi, cơ chế để đại biểu HĐND thực hiện tốt vai trò, nhiệm vụ của mình, suy cho cùng “áo mặc sao qua khỏi đầu”.

PHƯƠNG NGUYÊN - BÌNH NGUYÊN